Ai rồi cũng tham gia xu hướng cắt giãm lãi suất đến cuối năm 2024?

Lạm phát chính là chìa khóa cho động thái của các Ngân hàng Trung ương (NHTW). Xu hướng cắt giảm lãi suất phản ánh những lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu và lạm phát giảm tốc, mới đây chính là FED nối gót cắt 50 điểm cơ bản về lãi suất, cũng như Trung Quốc thực hiện hàng loạt chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế. 

Ai rồi cũng tham gia xu hướng cắt giảm lãi suất đến cuối năm 2024?

Hiện tại, nhiều NHTW lớn trên thế giới đang thực hiện cắt giảm lãi suất, điều này đánh dấu một sự chuyển hướng trong chính sách tiền tệ toàn cầu nhằm hỗ trợ nền kinh tế và ứng phó với tình hình tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, vẫn còn một số quốc gia chọn đi lên từ con số âm. Nhưng điểm chung là hướng tới con số lãi suất mục tiêu trong năm 2024 vừa phải (1 – 3%).

Tổng quan tình hình lãi suất của một số NHTW hiện nay (Nguồn: Chungkhoan79)

Châu Âu: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất tiền gửi xuống 3,5% từ 18/9/2024, nhằm giảm bớt các hạn chế về chính sách tiền tệ. Dự báo lạm phát cho năm 2024 là 2,5%, giảm dần xuống 1,9% vào năm 2026. Cùng lúc, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng giảm lãi suất xuống 1% vào tháng 9/2024, với lạm phát tháng 8 ở mức 1,1%. Dự báo tăng trưởng GDP của Thụy Sĩ được duy trì ở mức 1% vào năm 2024. Riksbank (Thụy Điển) đã hạ lãi suất xuống 3,25% vào tháng 9/2024 và có thể cắt giảm thêm trong hai cuộc họp tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế và giảm lạm phát.

Bắc Mỹ: Tại Canada, Ngân hàng Trung ương đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 4,25% vào tháng 9/2024 do nguồn cung dư thừa gây áp lực giảm lạm phát. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất 50 điểm cơ bản xuống 4,75%-5% vào tháng 9/2024, với kế hoạch cắt giảm thêm 100 điểm cơ bản vào cuối năm.

Châu Á: Ngân hàng Dự trữ New Zealand đã bất ngờ cắt giảm lãi suất xuống 5,25% vào tháng 8/2024, trong bối cảnh lạm phát hàng năm giảm xuống 3,3%. Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã thực hiện gói kích thích kinh tế lớn từ ngày 25/9 để đối phó với tăng trưởng chậm lại. Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) giữ lãi suất ngắn hạn ở mức 0,25% vào tháng 9/2024, cho rằng nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi, nhưng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp vẫn ổn định. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đang thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất của mình.

Bài viết liên quan: Tăng trưởng GDP Quý 2 có gì đáng lo ngại?

Châu Đại Dương: Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) giữ lãi suất ở mức 4,35% trong tháng 9/2024, không dự kiến đạt mục tiêu lạm phát 2-3% cho đến năm 2026.

Xu hướng cắt giảm lãi suất tác động lên NHTW và kịch bản nào dành cho Việt Nam?

Tác động của việc điều tiết lãi suất của NHTW

Ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Việc điều tiết lãi suất của các NHTW có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cắt giảm lãi suất giúp giảm chi phí vay mượn, khuyến khích tiêu dùng và đầu tư, điều này trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại. Chẳng hạn, việc FED giảm lãi suất đã góp phần tăng cường niềm tin trong các lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất, tạo động lực cho nền kinh tế. Ngoài ra, lãi suất thấp hơn còn giúp duy trì lạm phát ở mức ổn định và hợp lý, điều này được thể hiện qua những dự báo lạm phát từ ECB và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, cho thấy nỗ lực kiểm soát lạm phát trong dài hạn.

Điểm khác biệt trong áp dụng chính sách tiền tệ của các NHTW

Một trong những rủi ro lớn khi điều tiết lãi suất của NHTW là nợ hộ gia đình và doanh nghiệp có xu hướng gia tăng khi lãi suất giảm, dẫn đến nguy cơ rủi ro tài chính trong tương lai nếu không được quản lý chặt chẽ, xu hướng này thấy rõ tại Hàn Quốc. Hơn nữa, việc giảm lãi suất không phải lúc nào cũng dẫn đến tăng trưởng bền vững; nếu lạm phát gia tăng trở lại, các NHTW sẽ phải đối mặt với áp lực phải tăng lãi suất, điều này có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi. Đặc biệt, sự khác biệt giữa các quốc gia trong tình hình kinh tế và lạm phát cũng yêu cầu các NHTW thực hiện các điều chỉnh lãi suất một cách thận trọng, như trường hợp của Ngân hàng Dự trữ New Zealand và Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa cắt giảm lãi suất trong khi Nhật Bản vẫn giữ lãi suất thấp để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Kịch bản nào cho Việt Nam với xu hướng cắt giảm lãi suất hiện nay?

SBV có dư địa để nới lỏng chính sách do lạm phát trong nước được kiểm soát và áp lực từ lãi suất USD giảm. Điều này cho phép giảm lãi suất mà không ảnh hưởng lớn đến tỷ giá. Với kinh nghiệm ứng phó cú sốc bên ngoài, SBV có thể linh hoạt đảm bảo ổn định vĩ mô. Sắp tới, SBV có thể triển khai các gói tín dụng ưu đãi và biện pháp giãn nợ, giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và phục hồi kinh tế. Ngoài ra, SBV có thể mua thêm USD, tăng dự trữ ngoại hối lên trên 100 tỷ USD, ổn định thị trường ngoại hối dài hạn.

Việc điều chỉnh lãi suất của các NHTW như FED hay ECB, có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi các NHTW cắt giảm lãi suất, điều này thường dẫn đến tâm lý lạc quan của nhà đầu tư, thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Dòng vốn này không chỉ làm tăng giá cổ phiếu mà còn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước nhờ cải thiện khả năng vay mượn của doanh nghiệp. Để đạt được sự ổn định kinh tế và dựa theo kinh nghiệm thực tế tình hình các nước hiện nay, các NHTW cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như lạm phát, nợ công và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, những quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế nội địa mà còn có tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu.

Leave A Comment

All fields marked with an asterisk (*) are required

X