Kênh đào Phù Nam Techo có gì mà khiến người dân Việt Nam lo lắng?
Con người từ xưa đến nay thường chọn những vùng đất gần hạ lưu của các con sông lớn để xây dựng nền văn minh, vì nơi đây đất đai màu mỡ nhờ lượng phù sa dồi dào. Ở Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chính là một ví dụ tiêu biểu. Khu vực này không chỉ là vựa lúa của cả nước mà còn đóng góp lớn cho xuất khẩu thủy sản khi đóng góp 95% gạo xuất khẩu và 60% thủy sản xuất khẩu của nước ta. Và khi dòng chảy bị khô cạn, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của nhân dân, và kênh đào Phù Nam chính là nỗi bất an mới.
Dự án kênh đào Phù Nam của Campuchia
Thủ đô Phnom Penh của Campuchia phụ thuộc nhiều vào hệ thống sông ngòi để vận chuyển hàng hóa. Các tàu hàng lớn muốn tiếp cận Phnom Penh phải đi qua cửa Định An, sau đó di chuyển qua sông Vàm Nao – con sông nối liền giữa sông Tiền và sông Hậu, nơi có độ sâu đủ lớn. Tuy nhiên, Campuchia không muốn mãi phụ thuộc vào tuyến giao thông này và họ đã đưa ra một giải pháp mới: kênh đào Phù Nam Techo.
Dự án này có quy mô lên tới 1,7 tỷ USD, với chiều dài 180 km, nối từ kênh Takeo thuộc sông Mekong, qua kênh Ta Ek thuộc sông Bassac, chảy qua các tỉnh Kandal, Takeo và Kampot rồi đổ ra biển ở tỉnh Kep. Khi hoàn thành, kênh đào sẽ giúp Campuchia duy trì giao thông đường thủy trong khu vực và giảm phụ thuộc vào tuyến vận tải qua Việt Nam. Dự kiến hoàn thành vào năm 2027, kênh đào Phù Nam Techo có ba cống điều tiết dòng chảy, cùng với 11 cây cầu giao thông.
Mục đích của Campuchia khi xây dựng kênh đào Phù Nam là nhằm cải thiện giao thông đường thủy và đảm bảo lưu lượng dòng chảy ổn định với mức 3,6 m³/giây trên toàn bộ lưu vực kênh. Trên lý thuyết, dự án này không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với dòng chảy của sông Mekong hay các con sông khác trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn rất nhiều.
Bài viết liên quan: Sống chung với kênh đào Phù Nam là giải pháp phù hợp nhất?
Điều gì sẽ xảy ra nếu Campuchia sử dụng kênh đào này để chuyển hướng dòng chảy mà không thông qua hệ thống kiểm soát tại các cửa âu?
Trong trường hợp đó, kênh có thể hút đi 50 m³/giây từ dòng chảy chính của sông Mekong hoặc từ thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu. Với lượng nước này, Campuchia có thể mở rộng hàng chục ngàn hecta đất nông nghiệp ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho ĐBSCL của Việt Nam là lượng nước chảy vào sông Hậu và sông Tiền sẽ giảm tới 16%, gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Sự sụt giảm này không chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu phù sa vốn đã diễn ra trong những năm gần đây do các đập thủy điện ở thượng nguồn Trung Quốc, mà còn tăng nguy cơ xâm nhập mặn khi nước biển tràn vào sâu hơn trong đất liền. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với ĐBSCL, khu vực vốn phụ thuộc vào dòng chảy sông Mekong để duy trì sản xuất nông nghiệp và thủy sản.
Mặc dù kênh đào Phù Nam sẽ tạo ra những tác động lớn, nhưng vì nó hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Campuchia, quốc gia này đã thực hiện thông báo chính thức theo quy trình tới các ủy ban quản lý khu vực. Theo phát ngôn của các cơ quan chức năng Việt Nam, đây là quyền lợi phát triển kinh tế hợp pháp của Campuchia và chúng ta buộc phải tôn trọng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: sau khi kênh đào này hoàn thành, cuộc sống của hàng triệu người dân tại vùng ĐBSCL sẽ ra sao? Liệu Việt Nam có thể tìm ra giải pháp để đối phó với những thách thức mà dự án này mang lại, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn ngày càng phức tạp?