HPG – “Thuyền to sóng lớn” rồi sẽ đi về đâu?
Được xem là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất thép, HPG hiện đang gặp “khó chồng khổ” khi đối mặt với việc giá thép giảm mạnh trong hơn 1 năm qua, cũng như khó khăn bị điều tra chống phá giá. Vậy doanh nghiệp “Thuyền to sóng lớn” rồi sẽ đi về đâu?
Kết quả kinh doanh tích cực
6T2024, doanh thu thuần của Hòa Phát đạt 70,4 nghìn tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ. Hòa Phát đã hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận cho năm 2024. Doanh thu của Hòa Phát tăng trưởng chủ yếu nhờ vào mảng thép, đạt 66,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 94,5% tổng doanh thu và tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thép tiêu thụ cũng tăng mạnh khi tăng trưởng 44% so với nền thấp cùng kỳ
Khi thép xây dựng đạt 2,2 triệu tấn và thép cuộn cán nóng đạt 1,5 triệu tấn. Hòa Phát giữ vị trí số 1 về thị phần thép xây dựng tại Việt Nam với 38%. Mặc dù giá thép có xu hướng giảm, sự tăng trưởng sản lượng đã giúp công ty bù đắp phần nào. Mảng container cũng ghi nhận sự gia tăng đơn hàng từ các đối tác quốc tế và trong nước.
Sự tăng trưởng BLN nhờ vào việc gia tăng hiệu suất hoạt động
Biên lợi nhuận của Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 13,4%, tăng 4,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: quản lý hàng tồn kho hiệu quả, giảm giá nguyên liệu đầu vào nhiều hơn so với giảm giá thép bán ra, sản lượng sản xuất phục hồi, và tự chủ về điện thông qua công nghệ thu hồi nhiệt, giảm chi phí năng lượng.
Giảm lỗ mạnh về tỷ giá cũng là yếu tố mang lại KQKD tích cực.
Tính đến ngày 30/06/2024, nợ vay của Hòa Phát tăng 11,6% so với cuối năm 2023, đạt gần 73 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả vay bằng VND và USD, với nợ vay ngắn hạn chiếm 73% tổng nợ. Hệ số D/E tăng nhẹ lên 0.67 lần so với 0.64 lần năm 2023. Sự gia tăng nợ vay chủ yếu do công ty huy động vốn cho dự án Dung Quất 2. Tuy nhiên, chi phí lãi vay trong quý 2/2024 giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm nhờ vào quản lý hiệu quả các khoản vay, điều chỉnh linh hoạt cơ cấu vay ngoại tệ và tận dụng nguồn vốn trong nước.
Vị thế doanh nghiệp tiếp tục được củng cố dù cho ngành đang khó khăn
Thị trường xây dựng nội địa hồi phục là cơ hội lớn nhất cho Hòa Phát. VCBS dự báo diện tích xây dựng tại Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2024 với mức tăng khoảng 3%, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của nhóm dự án nhà ở dân dụng, vốn chiếm 2/3 sản lượng ngành. Kỳ vọng hơn là thị trường BĐS có thể phục hồi – đặc biệt khi 3 bộ luật liên quan đến ngành BĐS chính thức có hiệu lực từ 01/08/2024.
Sự phục hồi này dự kiến sẽ tiếp tục ở mức 3% trong năm 2025, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng. Trong khi thị trường thép gặp khó khăn, Hòa Phát có cơ hội gia tăng thị phần. Công ty đã có lịch sử tăng thị phần trong giai đoạn thị trường khó khăn và đạt được thành công khi thị trường hồi phục. Nhờ lợi thế về chi phí, Hòa Phát thường duy trì sự tăng trưởng sản lượng tích cực hơn so với toàn ngành.
Dự án Dung Quất 2 sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho Hòa Phát sau năm 2025
Khi hoàn thành, dự án sẽ nâng tổng công suất của Hòa Phát lên 14,5 triệu tấn thép mỗi năm, dự kiến tạo ra khoảng 80 – 100 nghìn tỷ đồng doanh thu hàng năm. Sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) mở rộng sẽ giúp Hòa Phát dẫn đầu thị trường và tận dụng lợi thế quy mô, đặc biệt khi công ty là một trong hai doanh nghiệp tại Việt Nam có khả năng sản xuất HRC, bên cạnh Formosa. Nhu cầu HRC trong nước vẫn lớn do yêu cầu kỹ thuật và vốn đầu tư cao, trong khi 45% nguồn cung HRC hiện tại đến từ Trung Quốc. Thêm vào đó, vào năm 2024, Hòa Phát dự kiến đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất vỏ container với tổng công suất 500.000 TEU mỗi năm. Giai đoạn 1 của nhà máy đã hoàn thành với công suất 200.000 TEU và bắt đầu xuất bán từ tháng 8/2023. Với công suất này, Hòa Phát sẽ trở thành nhà sản xuất vỏ container lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Hòa Phát có thể hưởng lợi nếu thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với thép cuộn cán nóng (HRC).
Vào ngày 26/07/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1985 để điều tra việc áp dụng biện pháp CBPG đối với các sản phẩm HRC từ Ấn Độ và Trung Quốc. Quy trình điều tra dự kiến kéo dài từ 12 đến 18 tháng kể từ ngày ra quyết định. Nếu Bộ Công Thương kết luận và áp dụng thuế CBPG, Hòa Phát sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường tiêu thụ HRC, đặc biệt khi nhà máy Dung Quất 2 bắt đầu hoạt động.
Định giá
Giá mục tiêu: 26,800 (Kết hợp 3 phương pháp định giá với P/E dự phóng là 13,5; P/B dự phóng là 1,3; Tỷ lệ EV/EBITDA là 10,3)