Lợi nhuận của PNJ có bùng nổ theo giá vàng thế giới?
Trong lịch sử kinh tế, vàng đã từng đóng vai trò như tiền tệ là vật ngang giá chung gian trong thời gian dài, dù không phải là kim loại quý hiếm nhất trên thế giới. Vàng xuất hiện sớm trong lịch sử và được chấp nhận có vai trò như tiền tệ thanh toán, trao đổi hàng hóa. Với bối cảnh vàng giá vàng trong nước tăng đỉnh điểm lên 83, 86 triệu đồng như hiện nay, liệu các doanh nghiệp vàng như Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sẽ làm ăn như nào? Lợi nhuận của PNJ có bùng nổ theo giá vàng thế giới?
Vì sao vàng thế giới tăng cao?
Trong tuần từ 14-20/10/204, giá vàng đã tăng vọt lên trên ngưỡng lịch sử 2.700 USD/ounce khi căng thẳng địa chính trị được thúc đẩy lên, đặc biệt là ở Trung Đông, hay tiềm ẩn từ khu vực bán đảo Triều Tiên, và sự không chắc chắn về cuộc bầu cử Mỹ là những lý do chính khiến các nhà đầu tư đổ xô vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ cũng thúc đẩy giá vàng tăng mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, nỗi lo về suy thoái kinh tế, lạm phát và nợ công gia tăng khiến nhà đầu tư lo ngại trong thời gian tới. Các ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế, điều này sẽ làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Khi ở trong bối cảnh thị trường tài chính bất ổn, vàng được xem là một lựa chọn an toàn để bảo vệ tài sản.
Lợi nhuận của PNJ có bùng nổ theo giá vàng thế giới?
Sự chênh lệch về giá vàng thế giới và giá vàng trong nước
Ngày 21/10/2024, giá vàng thế giới dao động từ 2.727,20 đến 2.728,20 USD/ounce. Với tỷ giá 1 USD = 25.000 VND và quy đổi 1 lượng vàng tương đương 1,22 ounce, giá vàng thế giới được tính khoảng 83,18 – 83,21 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, vàng PNJ niêm yết ở mức mua vào 85,4 triệu đồng và bán ra 86,39 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới lần lượt 2,60% và 3,68%. Vàng SJC có mức giá mua vào là 86 triệu đồng và bán ra 88 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với giá thế giới ở mức 3,28% và 5,44%.
Nguyên nhân của chênh lệch này xuất phát từ nhiều yếu tố.
Trước hết, Nghị định 24/2012 hạn chế nhập khẩu vàng, gây khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu vàng nội địa vẫn khoảng 55 tấn mỗi năm (theo Hội đồng Vàng Thế giới). Với vai trò độc quyền, Ngân hàng Nhà nước đấu giá vàng ở mức cao, khiến giá vàng trong nước thường xuyên vượt xa thị trường thế giới, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng quốc tế biến động mạnh.
Bên cạnh đó, việc chưa hình thành sàn giao dịch vàng tập trung làm hạn chế khả năng vốn hóa vàng trong dân cư và ngân hàng thương mại, khiến thị trường kém minh bạch và gia tăng chênh lệch giá. Các yếu tố khác như biến động tỷ giá, sự kiện kinh tế – chính trị toàn cầu, và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương cũng ảnh hưởng đến sự khác biệt về giá. Để giảm thiểu tình trạng chênh lệch phi lý này, cần có những giải pháp đồng bộ từ chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Trong lúc này, các nhà đầu tư vàng cần hết sức cẩn trọng để hạn chế rủi ro.
Cơ hội và rủi ro từ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới
Chênh lệch giá vàng giữa thị trường trong nước và quốc tế tạo ra cả cơ hội lẫn rủi ro cho người mua và người bán. Về cơ hội, sự khác biệt này mang lại lợi nhuận cho những người tham gia thị trường. Người bán có thể tận dụng mức giá cao hơn trong nước để thu lời, trong khi người mua kỳ vọng giá vàng nội địa sẽ tiếp tục tăng, qua đó có thể kiếm lời từ việc nắm giữ vàng.
Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là những rủi ro lớn. Trước hết, giá vàng trong nước cao hơn thế giới thúc đẩy hoạt động buôn lậu vàng. Kẻ buôn lậu lợi dụng các đường biên giới và lối mở để tuồn vàng vào thị trường nội địa. Việc buôn lậu vàng dễ hơn ma túy, lợi nhuận cao và việc truy vết khó khăn, vì chỉ cần nấu chảy vàng thành nguyên liệu rồi bán cho các xưởng chế tác. Điều này không chỉ làm méo mó thị trường mà còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, giá vàng trong nước và quốc tế không phải lúc nào cũng đồng thuận. Khi giá vàng thế giới giảm mà giá vàng nội địa không điều chỉnh, người mua trong nước phải chịu rủi ro lớn, đặc biệt là khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng chuyển rủi ro cho khách hàng. Ngoài ra, việc đầu cơ vàng có thể khiến thị trường biến động thất thường, tạo tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư.
Một rủi ro khác là thói quen tích trữ vàng của người dân Việt Nam. Nhiều người có xu hướng mua vàng để cất giữ thay vì đầu tư vào sản xuất hoặc kinh doanh. Điều này làm giảm nguồn vốn lưu thông trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Khi dòng tiền nhàn rỗi bị “chôn” trong vàng, nền kinh tế khó có thể phát triển bền vững, làm giảm hiệu quả sử dụng tài nguyên quốc gia.
Lợi nhuận của PNJ có bùng nổ theo giá vàng thế giới?
Có và không. Giá vàng thế giới tăng cao sẽ tác động đến lợi nhuận của PNJ khi bán được vàng với giá cao hơn so với trước đây (tức trước khi vàng tăng đỉnh điểm như hiện tại). Tuy nhiên, không chắc để khẳng định lợi nhuận của PNJ sẽ bùng nổ theo xu hướng giá vàng thế giới bởi điều này còn phụ thuộc vào chính doanh nghiệp như chiến lược kinh doanh, hàng tồn kho, chi phí điều hành, …
Ngoài ra, yếu tố nhu cầu thị trường và chính sách của Nhà nước là điều mà bản thân doanh nghiệp không thể tự kiểm soát được. Minh chứng rõ nhất là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã gây áp lực đầu cơ trong ngắn hạn, buộc Nhà nước phải can thiệp vào để ổn định thị trường.
Tình hình kinh doanh của PNJ
Áp lực chi phí vốn cao và nhu cầu thị trường yếu, dù giá vàng trong nước lẫn thế giới tăng đều trong 3 năm qua
Về hoạt động kinh doanh của PNJ, khó khăn trong tiêu thụ do nhu cầu thị trường yếu và chi phí giá vốn cao, gây áp lực lên lợi nhuận. Trong 8T2024, doanh nghiệp ghi nhận DTT đạt 26.866 tỷ (+27,2% svck) và LNST đạt 1.281 tỷ đồng (+2,8% svck). BLNG trung bình giảm từ 18,6% xuống 16,6%, chủ yếu do sự gia tăng tỷ trọng vàng 24K trong cơ cấu doanh thu – một sản phẩm có biên lợi nhuận thấp hơn trang sức.
Hiện tại PNJ đang đối mặt với chi phí tăng cao do mở rộng mạng lưới cửa hàng nhanh chóng. Chỉ trong tháng 7 và 8/2024, công ty đã mở thêm 9 cửa hàng, nâng tổng số lên 414 cửa hàng, sau khi đã tăng thêm 5 cửa hàng trong nửa đầu năm.
Mảng kinh doanh chủ đạo của PNJ là trang sức, nhưng đặt vấn đề là với giá vàng tăng cao như vậy, người tiêu dùng sẽ chọn mua vàng miếng hay vàng trang sức?
Khách hàng mục tiêu của PNJ là những người mua trang sức, vì vậy việc ưu tiên sử dụng vàng cho sản xuất nữ trang là hoàn toàn hợp lý. Khi khách hàng bán lại trang sức, PNJ dựa vào giá trị trên hóa đơn mua ban đầu thay vì biến động giá vàng hằng ngày, do đó nhu cầu bán lại vẫn được duy trì. Ngoài ra, mảng trang sức của PNJ mang lại biên lợi nhuận gộp cao nhờ giá trị gia tăng từ thiết kế độc đáo, chất lượng dịch vụ và uy tín thương hiệu, giúp công ty có khả năng trả giá cạnh tranh để thu mua nguyên liệu vàng từ các đối tác.
Thực tế, khi giá vàng tăng cao như vậy, người dân có xu hướng mua đầu cơ tích trữ vàng miếng hơn so với vàng nhẫn. Nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 giảm xuống chỉ còn hơn 7 tấn, mức thấp nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2020. Vàng trang sức thường khó bán lại hơn so với vàng miếng, đồng thời dễ mất giá hơn nên loại hình vàng trang sức sẽ “kén” người hơn, đặc biệt là trong bối cảnh vàng tăng giá như hiện nay. Nhưng tất nhiên, trong ngắn hạn, PNJ vẫn sẽ hưởng lợi từ phân khúc này vì giá vàng tăng.
Cơ chế quản lí vàng hiện tại dễ dàng khiến các doanh nghiệp dính sai phạm: Vi phạm và xử phạt PNJ trong kinh doanh vàng
PNJ vừa bị xử phạt hành chính 1,34 tỷ đồng do vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng và phòng chống rửa tiền, theo Quyết định số 648/QĐ-XPHC ban hành ngày 2/10/2024. Các sai phạm bao gồm: ban hành quy định nội bộ chưa phù hợp, quy trình phân loại khách hàng theo rủi ro lỏng lẻo, báo cáo giao dịch giá trị lớn không đúng quy định, và quy trình kiểm toán nội bộ không đầy đủ.
Cuộc thanh tra liên ngành kéo dài từ 23/5/2024 đến 10/9/2024, với sự tham gia của nhiều cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công Thương. Thanh tra tập trung kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về kinh doanh vàng, phòng chống rửa tiền và thuế. Ngoài PNJ, các tổ chức khác như TPBank, Eximbank, SJC và DOJI cũng nằm trong diện thanh tra. PNJ cam kết khắc phục sai sót và nâng cao quy trình nội bộ để tuân thủ quy định pháp luật trong thời gian tới.