Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Vào ngày 2/8/2024, Bộ Thương mại Mỹ cho biết vẫn chưa xếp Việt Nam là nền kinh tế thị trường dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực. Nghe có vẻ điều này sẽ ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đối với thị trường đầu tư nói chung, các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, nhưng sự thật có phải như vậy?
Vì sao Việt Nam lại chờ sự công nhận là nền kinh tế thị trường từ Mỹ
Việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì rủi ro thuế chống bán phá giá càng gia tăng. Vấn đề công nhận quy chế kinh tế thị trường cũng đối mặt với nhiều thách thức pháp lý tiềm ẩn ở Mỹ. Trước đó vào năm 2016, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã từ chối đề xuất từ phía Trung Quốc.
Tính đến tháng 7 năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 66,1 tỷ USD, chiếm 29% trong tổng giá trị xuất khẩu. Trong cơ cấu xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỉ trọng cao nhất với ước đạt 199,94 tỷ USD, chiếm 88,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 19,27 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 5,29 tỷ USD, chiếm 2,3%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,48 tỷ USD, chiếm 1,1%. Nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD chiếm 70,8% trong cơ cấu xuất khẩu
Việc không được công nhận quy chế kinh tế thị trường sẽ khiến các doanh nghiệp của Việt Nam gặp bất lợi trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, gia tăng rủi ro chịu thuế phá giá trong tương lai. Trong số các mặt hàng xuất khẩu, gỗ và tôm sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, các ngành khác tác động không quá nặng.
Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có giá trị trên 5 tỷ USD trong 7 tháng năm 2024
- Gỗ: Các mặt hàng hiện đang bị điều tra thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ đến từ sản phẩm gỗ của Việt Nam với mức thuế chống bán phá giá của gỗ dán, tủ gỗ và bàn trang điểm bằng gỗ, ghế khung gỗ lần lượt là 183,36%; 4,37%-262,18%; 25%. So với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước, nhóm gỗ lại có tăng trưởng cao nhất.
- Thủy sản: Mỹ hiện đang điều tra các doanh nghiệp xuất khẩu tôm về khả năng vi phạm chống trợ cấp, với kết quả cuối cùng sẽ có ngày 5/8/2024. Giá tôm Việt Nam cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh và mức thuế CVD sơ bộ thấp hơn đối thủ (Việt Nam bị áp mức 2,84% so với đối thủ 4,36%-7,55%). Đối với các doanh nghiệp cá tra, việc công nhận sẽ không ảnh hưởng đáng kể bởi mức thuế AD tương đối thấp (VHC và ANV là 0 USD/kg, IDI là 0,18 USD/kg).
- Dệt may: Sợi polyester chịu thuế 2,58% khi xuất khẩu sang Mỹ. Hiện STK xuất khẩu 8% sang Mỹ nên tác động từ việc công nhận là rất nhỏ. các doanh nghiệp khác như TNG, MSH và TCM không chịu thuế AD/CVD.
- Lốp xe: Lốp PCR của Việt Nam chịu mức thuế 22,27% thuế AD và 6,46% thuế VCD. Hiện DRC là doanh nghiệp xuất khẩu lốp PCR nhưng sẽ bị ảnh hưởng không nhiều khi thị trường xuất khẩu chính của DN này là Brazil.
- Thép: Hiện Mỹ chưa áp thuế chống bán phá giá.
Theo góc nhìn cá nhân, việc Mỹ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là điều đáng tiếc, nhưng điều này sẽ không tác động đến toàn ngành xuất khẩu mà chỉ tác động đến vài nhóm ngành cụ thể. Đơn cử như ngành xuất khẩu cá tra vẫn sẽ không chịu tác động bởi tin tức này, và triển vọng ngành đến cuối năm nay đến từ việc thị trường Mỹ có nhu cầu rất lớn đối với sản phẩm; ngược lại là gỗ khi phải chịu thuế cao.