Vì sao GDP quý 3 năm 2024 tăng mạnh?

Tại họp báo sáng 6/10, Tổng cục Thống kê cho biết GDP quý 3 ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, ba quý đầu năm, GDP tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 và 2021 – thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và năm 2023. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn so với 9 tháng đầu năm 2022. Vì sao GDP quý 3 năm 2024 tăng mạnh, trong khi các tổ chức đều hạ dự báo tăng trưởng?

Tổng quan các chỉ số vĩ mô quý 3 năm 2024

Dữ liệu vĩ mô cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ trong quý 3/2024, với tăng trưởng GDP đạt 7,40%, CPI) tăng 3,48% svck. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,59%, cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng ghi nhận sự tăng trưởng, với tổng FDI đăng ký đạt 13,94 tỷ USD trong quý 3, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt 966700 tỷ VND, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số kinh tế Việt Nam tính đến 30/9/2024 (Nguồn: GSO, Chungkhoan79 tổng hợp)

Vì sao GDP quý 3 năm 2024 tăng mạnh?

Tăng trưởng GDP năm 2024 từng được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm lại vì thiệt hại của bão Yagi

Bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước), kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, đã gây ra mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn. Tăng trưởng GDP quý 3 của cả nước đã được dự báo có thể giảm 0,35 điểm phần trăm, 9 tháng giảm 0,12 điểm phần trăm, quý IV giảm 0,22 điểm phần trăm so với kịch bản không có bão số 3.

Theo ước tính sơ bộ, thiệt hại về tài sản do bão Yagi gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng, trong đó, có khoảng 257 nghìn căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ: 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị gãy đổ…

Trên thực tế, phương pháp tính GDP liệt kê thiệt hại của bão Yagi vào thay đổi tài sản của nền kinh tế

Theo đó, GDP quý 3/2024 được tính dựa trên giá trị gia tăng trong từng giai đoạn sản xuất, chứ không phải là tổng sản lượng. Do đó, các thiệt hại về cơ sở hạ tầng do bão Yagi chỉ ảnh hưởng đến thay đổi tài sản của nền kinh tế, không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất trong kỳ, khiến cho tác động của bão đối với GDP trở nên ít nghiêm trọng hơn. Theo thống kê, giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, thủy sản ở 26 tỉnh thành bị thiệt hại chỉ chiếm hơn 20% tổng giá trị toàn ngành, và tỷ lệ này chỉ chiếm dưới 3% tổng GDP của cả nước. Điều này có nghĩa là ngay cả khi có thiệt hại, nó không đủ lớn để gây ra ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng GDP chung.

Sự phục hồi nhanh chóng của ngành công nghiệp nhưng chủ yếu là xuất khẩu và FDI

Trong quý III/2024, ngành công nghiệp Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với giá trị tăng thêm ước đạt 9,59% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong chín tháng, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,34%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,76%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện cũng tăng 11,11%, nhưng ngành khai khoáng giảm 7,01%.

Tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP 9 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2020-2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm. Công nghiệp tăng nhưng chủ yếu là nhóm xuất khẩu và FDI (Nguồn: GSO)

Nhiều ngành trọng điểm như sản xuất cao su và plastic tăng 28,8%, giường tủ tăng 24,7%, và hóa chất tăng 16,9%. Tuy nhiên, sản xuất đồ uống và khai thác khoáng sản lại ghi nhận mức tăng thấp hoặc giảm. Về tiêu thụ, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tháng 9 giảm 2,1% so với tháng trước nhưng tăng 12,7% so với năm trước. Tồn kho ước tăng 5,2% so với tháng trước và 8,5% so với cùng kỳ. Số lao động trong doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,1% so với tháng trước và 5,2% so với năm trước, trong khi doanh nghiệp FDI tăng 1,3% và 6,6% so với năm trước, cho thấy sức hút đầu tư khả quan.

Khó khăn trước mắt là sự phục hồi của khu vực kinh tế tư nhân

Tính chung chín tháng đầu năm, có gần 121,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký hơn 1.158,5 nghìn tỷ đồng.  Sự giảm sút trong số doanh nghiệp mới thành lập và tình trạng tạm ngừng, giải thể vẫn cao là những yếu tố cần chú ý. Theo đó, số lao động lại giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn đạt 86,9 nghìn, tăng 14,7%

Dịch vụ chiếm 75,8% doanh nghiệp mới, trong khi nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1%, tiếp tục suy giảm. Đồng thời, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm đạt 61.100, với sự tập trung chủ yếu ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, riêng tháng 9/2024 ghi nhận số doanh nghiệp quay lại giảm 23,7% so với tháng trước.

Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường chín tháng các năm giai đoạn 2016 – 2024 Nguồn: GSO

Các doanh nghiệp trong nước hiện đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt lao động, thể hiện qua sự sụt giảm số lao động đăng ký dù số doanh nghiệp mới thành lập tăng. Vốn đăng ký bình quân giảm cho thấy sự thận trọng trong đầu tư.

Bài viết liên quan: Phân biệt tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế tư nhân tại Việt Nam hiện nay

Thiên tai như bão Yagi cũng gây thêm khó khăn cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt là ở các khu vực chịu thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, sự chênh lệch trong phân bố doanh nghiệp giữa các vùng kinh tế lớn và các khu vực khác, cùng với biến động kinh tế toàn cầu, tiếp tục tạo áp lực lên doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động ổn định và tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, việc dòng tiền FDI đổ vào Việt Nam tăng là tín hiệu tích cực, song điều này cũng tạo nên sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước trong cùng một ngành. 

Hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phục hồi toàn diện, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hoạt động và cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng với lãi suất phù hợp. Đây cũng là những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và Thủ tướng đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện.

 

Kinh tế toàn cầu năm 2024 tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn, bao gồm xung đột địa chính trị và tốc độ phục hồi chậm, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường tài chính, năng lượng. Ở trong nước, bão Yagi gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh phía Bắc, buộc Chính phủ phải ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP nhằm khắc phục hậu quả và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi. Dù có nhiều khó khăn, các tổ chức quốc tế vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Leave A Comment

All fields marked with an asterisk (*) are required

X